#2 chuyện đứng dưới ánh đèn
- Jane
- May 11, 2021
- 3 min read
Updated: Nov 19, 2021
Trong một vài bài nói, Ali Abdaal có nhắc đến Hiệu ứng ánh đèn sân khấu hay the Spotlight effect, và nhấn mạnh thiên kiến này ảnh hưởng đến sự tự tin của tụi mình thế nào. Giống như nghệ sĩ đứng giữa khán phòng, the Spotlight effect miêu tả hiện tượng khi một cá nhân tự cho rằng mình bị mọi người chú ý. Giang hồ có hai cụm từ mang nghĩa gần giống vậy là "cái rốn vũ trụ" và "ảo tưởng sức mạnh", nhưng hơi hướng kì thị hơn. Thật ra chuyện này cũng bình thường, và tui cũng bị hoài.

Giờ ngồi nhớ lại thì lần đầu tiên tui cảm thấy vậy là vào cấp hai. Tuổi đó đang lớn, dù nghĩ mình chả gì đẹp, tui cũng có để tâm hơn tới hình ảnh bản thân trước mọi người. Mấy lần phải di chuyển từ phòng học này qua phòng học khác, tui không bao giờ dám nhìn ai, cứ sợ người ta đang nhìn mình lại :))) Những bữa chào cờ cũng vậy, phải đi qua cả đám đông tới chỗ ngồi là một sự cực hình.

Có bạn và bận học, tui quên mất nghĩ nhiều trong một thời gian. Cho đến lớn lên, việc đứng dưới ánh đèn quay lại. Nhất là lúc thuyết trình, khi chia sẻ sản phẩm cá nhân, lúc thử ý tưởng mới, đưa ra quan điểm suy nghĩ, hay upload những kỉ niệm mà mình trân trọng. Khác biệt duy nhất giữa hồi trước và bây giờ là đôi khi tui không nhận được phản hồi mình muốn và gặp thất bại cũng đầy :))) Nhưng mặt tích cực là tui tự do thể hiện mình hơn, và tạo ra quá trời dự án mà trước đó không bao giờ dám làm nè. Có thể fail hoài làm tui đỡ áp lực chuyện lúc nào cũng phải giỏi phải đúng phải tốt, còn làm nhiều giúp tui mặt dày :)))

Vài lần, tui có nghĩ ra cách thoát được tâm lý the Spotlight effect. Ví dụ như hồi xưa phụ gói quà phát thưởng cho trường, nhỏ bạn tui kĩ, nó cứ tức có mấy phần quà kia gói xấu quá, đòi gói lại. Tui mới nói: "Thôi hông cần đâu, người ta cầm phần quà có 5 phút là xé rồi, gói lại tốn giấy". Nói vậy chứ lòng tui cũng thấp thỏm hông biết mấy món quà nó chê phải mình gói không.

Rồi một dịp khác, có nhỏ bạn đại học nói gì trên lớp bị hố á, tui thấy bình thường mà nó cứ sợ mọi người nghĩ này nghĩ kia hoài. Xong tui cũng an ủi là người ta không để ý đâu. Tuổi này lo học hành yêu đương với mạng xã hội hà, mình chỉ lướt qua trong đầu người ta 3 giây max.
Tui không phản đối rằng đôi khi mình nên để ý bản thân để hoàn thành công việc với chất lượng tốt. Cái tui không cổ vũ là chuyện chú tâm quá nhiều đến tiểu tiết, rồi không tập trung vào trọng tâm hoặc bản chất việc cần làm. Lâu lâu khi sợ, tui cũng tự trấn an rằng mình đang bị the Spotlight effect thôi, chứ chả ai nghĩ ngợi gì. Bớt làm khó mình với những yếu tố lặt vặt, hoặc tình huống không kiểm soát được, tụi mình sẽ vui hơn khi làm những chuyện mình quan tâm và muốn làm. Nếu không được đón nhận thì rút kinh nghiệm để lần sau tốt hơn, sao đâu mà.

Trong thời đại công nghệ này, con người liên tục bị chi phối bởi nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, và độ tập trung cũng càng ngày càng giảm. Cho nên Hiệu ứng ánh đèn lại càng đúng nữa. Lấy được sự quan tâm của người ta đâu có dễ. Có khi nào tụi mình chỉ đang tự dựng nên những rào cản tâm lý để không phải đối mặt với nỗi sợ và bắt tay vào làm?
Nếu thật sự cần làm, và thật sự muốn làm, thì tụi mình phải làm. Và tụi mình sẽ làm.
Nếu thật sự cần viết, và thật sự muốn viết, thì Hoàng phải viết. Và Hoàng sẽ viết.
JANE VIẾT.
Comments