#0 Vài mẩu chuyện trong lớp thầy Tamagawa, hay Rừng cây
- Diệu Hoàng
- Nov 25, 2020
- 5 min read
Updated: Nov 19, 2021
Chuyện thứ 1:
Thầy Tamagawa thích đọc chính tả cuối mỗi tiết học. Dù hôm đó nội dung bài chính tả có như thế nào, thì cuối cùng thầy cũng sẽ hỏi cả lớp hai câu: "お名前は” (Tên bạn là gì?) và "あなたの田舎はどこですか" (Quê bạn ở đâu?). Mấy bữa đầu tiên mình chỉ trả lời được bằng bảng chữ Hiragana và Katakana vì không nhớ Hán tự.
わたしはホアンともうします。(Tôi tên là Hoàng.)
いなかはホーチミンしです。(Quê tôi ở TPHCM.)
Nhưng do viết nhiều lần quá nên từ từ mình đã tập nhét Kanji vô. Hôm thì わたし thành 私, mấy tiết sau biết đổi し thành 市, rồi もうします thành 申します. Thật ra trong khai sinh quê quán mình ở Quảng Nam kìa, mà mình chỉ nhớ chính tả từ TPHCM nên ghi hoài chữ đó. Mới hôm bữa mình có hỏi thầy Quảng Nam ghi thế nào, nên tới giữa khóa thay vì 2 câu ban đầu, mình đã viết được 2 câu dưới:
私はホアンと申します。(Tôi tên là Hoàng.)
田舎はクアンナムです。(Quê tôi ở Quảng Nam.)
Cũng như cách mình dần viết những câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi của thầy Tamagawa, có lẽ suy nghĩ của con người về một vấn đề sẽ luôn thay đổi để tiến bộ. Mọi lời nói thốt ra đều chỉ là quan điểm, cảm xúc và thế giới quan của mình tại thời điểm hiện tại. 1 giây sau mình đã có thể kể câu chuyện khác đi rồi, chứ đừng nói là mấy tuần nữa, mấy tháng nữa. Vậy nên cũng đừng quá tin vào một lời nói. Cũng đừng nghĩ là con người như vậy thì sẽ mãi như vậy.

Có những trải nghiệm, mình cứ bật đi bật lại trong đầu vì chưa tìm được câu trả lời hợp lý. Nhưng nếu không liên tục chiêm nghiệm thì làm sao có thể tốt hơn? Hôm nay mình tích lũy được cái này, ngày mai mình đúc kết được cái khác. Tới một lúc nào đó nhận thức sẽ theo kịp với những thay đổi xảy ra xung quanh, rồi mình sẽ đưa ra một đáp án tốt hơn cho những thử thách tương tự. Trong tiếng Anh người ta gọi đó là 'epiphany' hay 'aha moment', một thời khắc mà mình chợt hiểu ra ý nghĩa của mọi chuyện, tìm được lời đáp cho những rắc rối trong đầu.
Chuyện thứ 2:
Đến khi hoàn thành bài viết này thì thầy Tamagawa đã hết đọc chính tả và hỏi mình mấy câu hỏi trên. Nghĩ lại nếu đã vượt qua một khó khăn nào rồi, thì đúng là cũng không cần lặp đi lặp lại cùng một bài học nữa. Còn rất nhiều bài tập khác khó hơn để mình ăn hành mà không sao :))) Nhưng rồi cũng có những kiểu bài dễ dễ mà vẫn rất ngu như này.
Hôm qua trong lớp, tụi mình kết thúc bài sớm nên đã bày ra trò chia 2 team lên đấu ca-rô (tic tac toe) với nhau. Tỉ số đang cân bằng, và thầy gọi mình lên chơi ván cuối cùng trước khi cả lớp nghỉ. Nghe mở bài vậy thôi là thấy không lành rồi đúng hông nè :)))
Mình đấu với chị Q. Mở đầu đánh rất nhanh vì nghĩ ụa đã có cái gì đâu mà tính toán. Tới thầy còn nói "はやいですね” (Nhanh dị ta) nhưng thiệt ra đó chỉ là một pha xử lý hết sức nguy hiểm và làm màu. Được mười mấy nước mỗi bên thì mình có đường ăn 4 con. Ai ngồi dưới lớp cũng thấy nhưng chỉ có hai người không thấy, là mình và chị Q :)))
Thế là chị Q chặn ở chỗ khác, nhưng mình cũng chưa thắng được vì có nhìn ra đâu. Tới nỗi bé T ở dưới còn phải nói với lên là "Chị nhìn cho kĩ vô chị Hoàng!", còn ông T thì chọc kiểu chắc nó muốn kéo dài cuộc chơi cho kịch tính rồi không thắng là vì không thích đồ :))) Mà hông thấy thiệt huhu I don't know why :((( Hai chị em cứ nhìn xuống hỏi ủa ai thắng vậy chứ hông biết :))) Thầy tức tới cỡ phải đi lên bảng chỉ cho mình luôn. Mà lúc đó mình tưởng thầy hỏi bút mình lợt quá có đổi không nên mình còn lắc đầu ra hiệu kiểu không cần đổi. Công nhận đôi khi ngu thì chịu chứ có chỉ cỡ nào cũng hông ai cứu vớt được gì hết ha :)
Kết thúc cuộc chơi là chị Q thắng. Cuối cùng bả cũng nhận ra, mình thì vẫn chưa :)) Thầy còn lên kí đầu cho một cái kiểu chồi ôi mày chơi ngu một cách khó ngờ luôn á Hoàng. Nhìn lại thấy đúng ức chế chứ :))) Như lá thư thứ 16 trong "999 lá thư gửi cho chính mình" có viết:
Cho dù bạn trời sinh đã được ban cho một ván cờ đẹp, cũng không thể chắc chắn rằng ván cờ cuộc đời bạn sẽ được đầu xuôi đuôi lọt, cũng chưa chắc bảo đảm được rằng mọi nước cờ bạn đi sẽ nắm chắc phần thắng. Để có một ván cờ cuộc đời tốt đẹp, bạn phải dựa vào bản thân mình, thận trọng trong từng bước đi và tranh thủ mọi cơ hội.
Bữa đó tụi mình học cấu trúc "Để... thì". Đến cuối giờ mọi người còn chọc "Để thắng ca-rô thì chơi với Hoàng-san". Đời :) Nói tóm tắt là hãy bớt ngu lại. Tiếng Anh có câu "You can't see the forest for the trees", tức là không thấy được bức tranh toàn cảnh vì quá tập trung vào những chi tiết.
Nghĩ lại thấy mình đứng bảng cũng hay bị quáng gà lắm. Như lần thực tập đầu tiên, mình kêu học trò lên bảng sửa bài, con bé viết sai quá trời mà đứng trên bục lại không thấy. Cô hướng dẫn còn dặn là mốt con phải đứng ra xa, từ từ sẽ sửa quen à. Cũng nghĩ về mình và năm vừa qua, cứ mãi nhìn mấy cái cây mà suy nghĩ miết. Biết đâu khu rừng lại đang rất đẹp, nếu hướng tầm mắt thật xa thật xa và bình tĩnh trước mọi tình hình. Maybe it's a blessing in disguise. Một phước lành trong sự cải trang, một sự xui xẻo nhưng thật ra là may mắn.

Dù sao thì con người cũ của mình cũng không nên còn tồn tại. Vì quá khờ nên trên bàn ca-rô dù có 4 con cũng không thể thấy. Muốn thắng ván cờ chỉ có thể bước ra xa và thông minh hơn. Không chắc ngày mai hành trình sẽ còn đưa mình đến kết luận nào, nhưng hôm nay mình đã suy nghĩ như vậy.
JANE VIẾT.
Retrieved từ blog cũ.
P/s: Phải mất bao nhiêu lâu nay để viết lên 1 bài post, thương nó, rồi ghét nó, rồi chấp nhận rằng nó tồn tại, rồi lại thương.
Comments