Cách ôn thi Văn 12 những bài không thích
- Diệu Hoàng
- Jul 4, 2021
- 5 min read
Updated: Nov 19, 2021
Mở
Mấy nay hỏi thăm tình hình ôn tập của vài bạn 12, tui được dịp nhớ lại một nỗi kinh hoàng hồi xưa mang tên "học dẫn chứng". Không có gì đau khổ hơn khi thấy bạn bè thuộc bài gần hết rồi, còn mình vẫn nhây nhây chưa xong phần nào trơn trọi. Vậy mà năm đó kì tích của Hoàng là đã học hết dẫn chứng mọi tác phẩm trong vòng 1 tuần trước ngày thi á. Kết quả thi được 7.25 thì phải. Nên đây, đây là 1 số tips cho những con người nào cùng cảnh ngộ với tui ngày xưa, dựa trên kinh nghiệm học thi cá nhân thôi nha xài được gì xài :)))
(P.s: À, đối với mị bài khó học nhất là Người lái đò sông Đà, Ai đặt tên cho dòng sông và Chiếc thuyền ngoài xa)

1. Đọc lại tác phẩm
Nghe thì thiệt mắc cười, nhưng sự thật là có những người dành cả thanh xuân chép bài phân tích mà không hề đọc trước tác phẩm. Do vậy chuyện mình không hiểu, không cảm được, hay không thích bài văn cũng bình thường thôi à. Trước khi vùi đầu vào học dẫn chứng, Hoàng suggest các bạn bình tĩnh đọc lại bài như một độc giả đọc một cuốn sách mới ra mắt, hoặc 1 người lướt điện thoại hóng hớt 1 post drama :)) Có thể mọi người sẽ ngạc nhiên rằng tác phẩm đó hay hơn cả những phân tích được dạy. Vợ chồng A Phủ và Rừng Xà Nu là 2 tác phẩm tui học thành công theo cách này.
2. Đừng tham dẫn chứng
Thông thường, giáo viên Văn sẽ phân tích rất kĩ và rất nhiều chi tiết trong bài. Mục đích là để người học có cái nhìn tổng quan rằng chỗ nào đặc sắc và có thể khai thác được. Nhưng khi đi thi, mình không nhất thiết phải khai thác đủ tất cả các dẫn chứng. Thử suy nghĩ lại đi, có lần nào mọi người học thuộc tất cả trích dẫn bước vào phòng thi, để rồi sau khi nộp bài nhận ra mình viết vào có vài cái?

Do vậy, sẽ tốt hơn nếu chỉ tập trung vào 1 vài chi tiết đắt giá nhất (theo cá nhân mình thôi), những dẫn chứng nào mình thích và nghĩ mình sẽ nói nhiều. Hồi đó Hoàng đặt ra chỉ tiêu là chỉ học 3 dẫn chứng cho mỗi dạng đề. Cố gắng học đoạn (3-4 dòng) chứ đừng cắt nhỏ ra thành vài câu lẻ tẻ mỗi chỗ 1 ít.
3. Phân loại dẫn chứng
Ví dụ dẫn chứng cho Mị highlight màu vàng, cho A Phủ highlight màu xanh,... mỗi lần học hết 1 màu dẫn chứng sẽ hiệu quả hơn học từ trên xuống dưới, theo thứ tự xuất hiện trong bài. Việc này cũng giúp mọi người dễ gợi nhớ hơn lúc vào phòng thi. Ví dụ đề hỏi về Mị thì chỉ cần nhớ phần nào highlight màu vàng.

4. Thật sự hiểu Hoàn cảnh sáng tác và Tác giả - tác phẩm
Hoàn cảnh sáng tác và Tác giả - tác phẩm là 2 phần dễ bị bỏ lơ nhất với các bạn học sinh. Cá nhân Hoàng nghĩ, sách giáo khoa cũng không coi trọng những chi tiết này nên đọc vào chỉ toàn số liệu, nơi chốn và thành tích - chức vụ - danh hiệu. Nhưng người ta chỉ thật sự hiểu một tác phẩm văn học nếu có đủ thông tin về tính cách, về cuộc đời và về những sự kiện xoay quanh người tác giả mà thôi.
Dù có muốn hay không, mọi sản phẩm được sáng tạo bởi 1 người đều sẽ chứa đựng tâm tư, tình cảm, những giác ngộ về quy luật cuộc sống, hay những trải niệm vui buồn của họ khi sống trên đời.
Ví dụ như bài The A Team được viết lúc Ed Sheeran 18 tuổi, khi anh làm việc bán thời gian cho một khu người vô gia cư vào Giáng Sinh. Ban đầu tui đã nghĩ mình đang nghe một câu chuyện tình của 1 chàng trai với 1 cô gái quá tầm với (aka The A Team trong mắt tui). Ai dè thật ra, lời bài hát lại được lấy cảm hứng từ câu chuyện của Angel, một người phụ nữ nghiện heroin sống ở nơi anh làm từ thiện. Do loại thuốc cô chơi là hạng nặng (Class A), nên mới sinh ra tên bài The A Team. Ẩn dưới giai điệu upbeat và những từ ngữ mỹ miều là một tâm sự rất buồn và đen tối mà tác giả muốn viết thoát đi.
Đó. Tác phẩm văn học cũng vậy. Cho nên, hãy tìm hiểu kĩ hơn về những con người đằng sau mấy câu chữ mà tụi mình đọc. Hãy đặt câu hỏi rằng họ đã trải qua những gì để có thể viết nên những đoạn văn, đoạn thơ đó.
Ngoài ra, chuyện gì thú vị về tác giả cũng nên đọc. Ví dụ như chuyện Nguyễn Tuân chọn rể, đến những bức thư tình của Lưu Quang Vũ cho Xuân Quỳnh, rồi mấy tin đồn về giới tính của Xuân Diệu và Huy Cận nữa. Đôi khi chỉ là mấy thứ ngoài lề nhảm nhí không liên quan, nhưng làm mình hiểu hơn về quan điểm, lối sống và cá tính của nhà văn nhà thơ, từ đó dễ đồng cảm hơn với tác phẩm.
5. Tìm nguồn cảm hứng
Tới đây nếu mọi người vẫn không thể tụng vô đầu, Hoàng hy vọng kênh Youtube này sẽ là sự cứu cánh đối với các bạn.
Đây là chị Sương Mai, tốt nghiệp Cử nhân Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị Mai lập kênh Youtube này để phân tích các tác phẩm văn học. Phương châm của Hoàng khi nghe là, nếu mình không thể yêu tác phẩm, chi bằng lắng nghe những người thật sự yêu thích văn học nói về nó. Lối phân tích của chị Mai không hề rập khuôn, ngoài ra lại đưa ra rất nhiều liên hệ hay giữa các tác phẩm. Hoàng rất khâm phục niềm đam mê và kiến thức văn chương của chỉ, hy vọng mọi người cũng sẽ cảm thấy những chia sẻ đó cực kì hữu ích.
À, còn với những bài miêu tả thiên nhiên như Người lái đò sông Đà và Ai đặt tên cho dòng sông, mấu chốt ở đây theo Hoàng là mình phải thật sự nhìn thấy vẻ đẹp hùng vĩ hoặc dịu dàng của cảnh sắc. Như hồi đó Hoàng có một người bạn quê ở Sơn La. Do hay đi du lịch xuyên Bắc về thăm quê, mỗi lần thi trúng bài sông Đà là ý tứ bản dồi dào và điểm cũng cao nữa. Với những người chưa có kinh nghiệm thăm thú như Hoàng, mọi người cũng có thể lên youtube search về mấy dòng sông này hoặc xem video tư liệu về chèo đò qua sông. Coi cho biết. Ít nhất mình lầy thì cũng phải lầy có hiệu quả xíu chứ ha :)))
Kết
Có đứa bạn Hoàng từng nói với Hoàng rằng: "Mọi kiến thức đều là khách quan." Trong bối cảnh này tức là: "Không có tác phẩm dở, chỉ có người phân tích chưa đặt mình ở đúng góc nhìn và tâm tư người nghệ sĩ." Qua bài viết này, mong mọi người có thể nhìn nhận Văn theo một tư duy thoáng hơn và đẹp hơn. Văn thì cũng chỉ là một câu chuyện đọc, một tâm sự, một trải lòng. Và sẽ tốt hơn nếu tụi mình viết văn dưới cương vị là một người thấu hiểu, một người suy ngẫm thay vì là một người đối phó và học thi. That's it. Good luck guys!!!

JANE VIẾT in Học với Hoàng.
Comments